Tặng voucher mua sắm: Mũi tên trúng 2 đích

Khi chính quyền tặng voucher cho một số đối tượng để mua sắm, bản thân những người đó sẽ được lợi và doanh nghiệp cũng có lợi.

Các doanh nghiệp muốn nhấn mạnh đến biện pháp kích cầu tiêu dùng bằng nhiều giải pháp như giảm thuế, tặng voucher mua sắm, trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Tặng voucher
Các nhà kinh doanh, nhà bán lẻ cho rằng cần thiết thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong bối cảnh sức mua phục hồi chậm - Ảnh: N.BÌNH

 

Tại cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ và đại diện doanh nhân mới đây, bà Huỳnh Bích Ngọc, phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), đã đề xuất Chính phủ tặng voucher (phiếu mua sắm) cho người dân sử dụng trong thời gian nhất định để kích thích tiêu dùng.

Mua sắm còn chừng mực

Sở dĩ nhiều doanh nghiệp ủng hộ đề xuất Nhà nước nên có chương trình tặng voucher để một số người dân mua sắm hàng thiết yếu là sẽ giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nhanh hơn, quay được đồng vốn, duy trì việc làm cho người lao động.

Khi người lao động có việc làm, duy trì được thu nhập sẽ lại tạo ra sức mua mới... Cứ thế vòng tuần hoàn thông thoáng, tạo sức sống cho mọi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Các doanh nghiệp trong nước cũng "sốt ruột" khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... đều có chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng hoặc cung cấp phiếu mua sắm - voucher, và mong muốn Việt Nam không thể đứng ngoài.

Trong khi đó, sức mua hiện nay thế nào? Giám đốc kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi cho biết chưa bao giờ hệ thống hơn hàng trăm cửa hàng lại rơi vào cảnh sức mua giảm sút như hiện nay. Doanh số toàn hệ thống lần đầu về dưới 10 tỉ đồng/ngày, chưa đến 20 triệu đồng/cửa hàng. Với một điểm bán mở cửa 24/24 giờ thì doanh thu này là rất... thê thảm.

"Chúng tôi dùng công nghệ để thấu hiểu thói quen mua sắm, nhiều mặt hàng giảm mức tối đa, nhưng sức mua vẫn không thể kéo lên được", vị này cho biết.

Tình hình các siêu thị, trung tâm thương mại cũng không khả quan hơn. Để giữ sức mua, các siêu thị phải đồng loạt khuyến mãi. Tại các hệ thống Co.opmart, Satra... từ đầu năm đến nay, các nhà bán lẻ liên tục tung ra chương trình khuyến mãi, trong đó tập trung giảm giá các mặt hàng thiết yếu, rau củ quả, nông sản.

Ông Furusawa Yasuyuki, tổng giám đốc AEON Việt Nam, thừa nhận dù kinh doanh tám tháng đầu năm 2024 có tăng trưởng nhưng chưa thể lạc quan. Giá một số hàng thiết yếu có xu hướng tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với hàng hóa không thiết yếu...

Anh Hoàng, ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM), nhận xét Nhà nước kiểm soát tốt giá cả nhưng vấn đề là thu nhập của người dân đang giảm sút, như gia đình anh là giảm 20%, nên phải cắt giảm chi tiêu.

Người khó khăn và doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Khi chính quyền tặng voucher cho một số đối tượng để mua sắm, bản thân những người đó sẽ được lợi và doanh nghiệp cũng có lợi khi bán được hàng và duy trì sản xuất.

Ông Đinh Quang Khôi, giám đốc marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market, nhận xét tặng voucher mua sắm sẽ thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, đó là những chính sách "kích cầu tiêu dùng" thực sự.

"Xét về nền tảng lẫn cách thức thực hiện, như TP.HCM hoàn toàn đủ điều kiện triển khai chương trình kích cầu mua sắm bằng hình thức tặng voucher. Thậm chí, chúng ta cũng có thể nghĩ đến xã hội hóa, chứ không nhất thiết nguồn hỗ trợ từ Chính phủ", ông Khôi nói thêm.

Kinh nghiệm chương trình bán hàng lưu động do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức mới đây, những quận huyện có hình thức tặng voucher cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đi mua sắm thì doanh số cao hơn.

Theo đó, dựa trên danh sách quản lý của địa phương, quận đã tặng voucher cho bà con đến mua sắm tại phiên chợ bán hàng lưu động và hầu hết người tiêu dùng đã chi thêm tiền túi để mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được doanh nghiệp bán giảm giá.

Nhu cầu tiêu dùng, mua sắm luôn có, nếu biết cách thực hiện sẽ kích cầu thành công sức mua, lúc đó doanh nghiệp cũng hưởng lợi vì thúc đẩy được dòng hàng.

Bộ Công Thương hiện đang soạn thảo đề án "Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước", trong đó tập trung vào việc phát hành voucher mua sắm nhằm kích thích sức mua. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ khi họ kỳ vọng việc tặng voucher cho người lao động có thể tạo ra hiệu ứng tích cực.

Đại diện Satra cho biết họ cũng rất kỳ vọng về một chương trình kích cầu đột phá cuối năm, bởi họ đã sử dụng "hết cách" các biện pháp khuyến mãi, giảm giá thời gian qua. Các nhà bán lẻ tin tưởng việc tặng voucher, nếu được triển khai một cách hợp lý và minh bạch, không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho mà còn tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó tạo ra vòng quay tích cực cho nền kinh tế. Trong dài hạn, những chính sách này sẽ góp phần tăng cường lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

TS Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính quốc tế IIF ở Washington DC (Mỹ), cho rằng tình trạng hàng hóa dư thừa do cung lớn hơn cầu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn một số nước trong khu vực. Do đó, kích cầu tiêu dùng là việc chắc chắn phải làm.

"Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng, các chính sách kích cầu tiêu dùng hiệu quả để hỗ trợ lưu thông hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tạo ra thặng dư đóng góp cho ngân sách nhà nước cần triển khai kịp thời. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về hậu cần, tổ chức sản xuất chi phí thấp để làm sao họ có thể đưa hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh, giá tốt, như cách của Trung Quốc đang hỗ trợ hàng hóa nước họ", TS Hùng lưu ý thêm.

Lo nhất sức mua yếu

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng UOB, doanh số bán lẻ trong quý 3-2024 có xu hướng chững lại, giảm xuống mức 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9, thấp hơn so với mức 7,9% của tháng 8 và trung bình 8,7% trong suốt năm 2024. Đây là mức thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 10,4% của năm 2023, cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Trong khi đó, chuyên gia của HSBC nhận định tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch, điều đáng khích lệ là Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian.

Theo báo cáo của NielsenIQ, giá cả đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt khi mua sắm. Ngoài ra, người Việt còn có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu và chuyển sang nấu ăn tại nhà nhiều hơn. Điều này càng thể hiện rõ hơn giá trị giỏ hàng của khách đến các siêu thị cũng giảm ít nhất 5 - 10% so với trước.

Mặc dù GDP tăng trưởng mạnh, các khu vực đô thị đang trải qua sự suy giảm trong khối lượng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại nhà, trong khi các khu vực nông thôn cũng cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ đầu năm.

Sự khác biệt giữa GDP và chi tiêu FMCG tại nhà cho thấy sức mua của người dân đang thắt chặt hơn. Báo cáo của Kantar World Panel nhận định sức mua FMCG tại nhà trong 3 quý năm 2024 vẫn gặp nhiều thách thức. Người tiêu dùng ưu tiên các nhu yếu phẩm như FMCG tại nhà, trong khi ở thời kỳ điểm kinh tế tốt hơn, chi tiêu sẽ ưu tiên cho các hạng mục tùy ý như ăn uống ngoài và giải trí ngoài trời.

Theo Tuổi trẻ