Lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My lần thứ 6 đang diễn ra. Sáng 1/8, anh Hồ Văn Toán, xã Trà Linh mang một cây sâm 700 gram gồm 5 nhánh, củ, rể cao hơn 7 cm đang cho trĩu quả tới chợ bán Anh ra giá cây này 200 triệu đồng và 3 cây nặng 500 gram hơn 70 đồng triệu đồng. Sau một ngày bày bán ở chợ không có người mua, sáng 2/8 anh mang về đưa lên vườn trồng.
"Như năm trước cây 700 gram có giá 400 triệu đồng, 3 cây nặng 500 gram bán 150 triệu đồng nhưng nay giảm giá một nữa nhưng không ai hỏi", anh nói, cho hay dù giảm giá nhưng nhổ đi bán để lấy tiền tái đầu tư và trang trải chi tiêu.
Năm nay, hàng chục gian bán sâm tại sự kiện này thay đổi giá bán so với năm trước. Người đến tham quan mua sắm tại phiên chợ cũng không còn nhộn nhịp. Nhiều gian hàng đìu hiu khách đến hỏi mua.
Ghi nhận tại đây, hơn 10 gian hàng bày bán sâm Ngọc Linh được chính quyền cam kết sâm thật của người dân và doanh nghiệp. Sâm loại 1 với 10 củ một kg có giá 100-120 triệu đồng, giảm 50%, so với năm trước. Tương tự, loại 2 một kg 20 củ giá 80-90 triệu đồng, năm trước là 95-135 triệu đồng mỗi kg.
Loại 3 (một kg 30 củ) giá khoảng 65-75 triệu đồng, loại 4 (một kg 40 củ) là 50-60 triệu đồng và loại 5 (một kg 50 củ) giá 40-50 triệu đồng. So với năm trước sâm đều giảm từ 10 triệu đến 30 triệu đồng mỗi kg. Sâm có trọng lượng lớn thì cảng giảm giá sâu.
Chủ một doanh nghiệp trồng và buôn bán sâm tại chợ kể, từ năm 2015, sâm Ngọc Linh bắt đầu lên giá, năm 2020, sâm loại 1 được bán 240 triệu đồng kg, loại 5 giá 60-75 triệu đồng kg. Nhưng giữa 2023, giá sâm Ngọc Linh bắt đầu lao dốc.
Lý giải việc sâm Ngọc Linh giảm giá sâu, chủ một gian hàng nói, trước đây người trồng ít trong khi lượng mua nhiều nên giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng sâm mở rộng, lượng bán ra lớn. "Đặc biệt, suy thoái kinh tế đã kéo theo sức mua kém, trong khi sâm được bán ra nhiều", chị nói, thêm rằng giá có thể còn đi xuống.
Theo người này nhiều năm qua duy trì một lượng khách hàng đại gia. Họ mua sâm nhiều về biểu tặng là chủ yếu, có tháng mua hơn 10 kg. Từ lúc kinh tế suy thoái, họ chỉ mua ít về sử dụng. "Có nhiều khách quen không mua nữa, chúng tôi thì họ trả lời do làm ăn gặp khó khăn", chị kể.
Một nguyên nhân khác đến từ thời tiết. Sâm Ngọc Linh có đặc điểm sau thời gian ngủ đông, qua Tết Nguyên đán, củ sâm đâm mầm. Nhưng đầu năm 2024, thời tiết nắng nóng cũng khiến nhiều cây hư hỏng, mầm không phát triển cây.
"Mỗi củ chỉ có một đoạn mầm dài hơn 10 cm rồi đứng im. Nếu không nhổ bán thì cây bị thối củ nên người trồng nhổ bán tháo, khiến cho lượng sâm bán thị trường ngày càng lớn", một thương lái cho biết.
Chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Dũng cho rằng, sâm Ngọc Linh giảm giá là "điều tất yếu", bởi hiện nay được trồng nhiều, tăng sản lượng. Ông hy vọng khi các doanh nghiệp chế biến sâu họ cần nguyên liệu thì có thể đắt hơn. Ngoài bám sâm củ, sắp tới tỉnh sẽ có nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được doanh nghiệp chế biến.
Theo ông Dũng, quan điểm của địa phương là trồng sâm Ngọc Linh hướng đến phục vụ toàn dân. Giá đắt, người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình khó tiếp cận. "Khi giảm giá du khách và người dân không có thu nhập cao vẫn mua được", ông nói.
Tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được trồng trên ngọn núi cùng tên, thuộc huyện Nam Trà My. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại quý hiếm và tốt nhất thế giới do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù. Sâm Ngọc Linh là loại có hàm lượng saponin cao, được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam.
Huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 15.000 ha, hiện bảo tồn được khoảng 100 ha tương đương với khoảng 2 triệu cây. Sâm được hơn 1.500 hộ dân trồng khoảng 1.650 ha và 18 doanh nghiệp trồng hơn 340 ha. Sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn, giá trị 600 tỷ đồng.
Theo VnExpress