Người dân chật vật thời 'bão giá'

Giá xăng liên tục tăng kéo những mặt hàng tiêu dùng cũng đồng loạt tăng giá theo, khiến nhiều người dân phải thay đổi cách chi tiêu.

Sức ép giá cả tăng cao

Trong kỳ điều hành xăng dầu mới nhất ngày 21/6, giá xăng dầu tiếp tục lập kỉ lục khi giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít; dầu diesel 30.019 đồng/lít; dầu hỏa 28.785 đồng/lít và dầu mazut 20.735 đồng/kg.

Đây là lần thứ 7 giá xăng trong nước tăng sau khi được điều chỉnh giá bởi liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Giá xăng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Gia đình ông Phạm Ngọc Khánh, 57 tuổi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 3 người đều sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính để đi làm, đi học. Ông Khánh cho hay: “Giá xăng tăng kéo theo mọi chi phí sinh hoạt đều tăng. Ngày trước, tiền xăng của cả 3 người trong gia đình rơi vào khoảng 800.000 đồng/tháng, nay tăng lên 1.200.000 - 1.300.000 đồng/tháng”.

Trước sức ép giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, không chỉ người dân gặp khó khăn mà các tiểu thương cũng bị ảnh hưởng.

Việc kinh doanh của chị Tuyến gặp khó khăn khi giá cả hàng hoá tăng.
Việc kinh doanh của chị Tuyến gặp khó khăn khi giá cả hàng hoá tăng.

Hơn 1 tháng nay, việc kinh doanh tạp hoá của bà Hoàng Thu Hiền, 40 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sụt giảm hơn nhiều so với trước.

Bà Hiền cho biết các mặt hàng nhập vào đều tăng từ dầu ăn, gia vị, mì tôm… nhưng bà vẫn cố gắng không thay đổi giá bán và chấp nhận lãi ít đi bởi bà sợ “nếu tăng giá, khách sẽ bỏ đi, hàng còn ế nữa”.

Tại một chợ dân sinh quận Hai Bà Trưng, nhiều tiểu thương chia sẻ rằng sức mua của người tiêu dùng đã chững lại đáng kể so với thời điểm đầu năm.

“Xu hướng của người tiêu dùng bây giờ là chỉ mua những gì cần thiết và không mua thừa. Trước kia, họ mua 1 kg thịt nhưng bây giờ chỉ mua nửa lạng, thậm chí mua 1 lạng chỉ để nấu cháo cho con. Thay vì đi chợ sớm thì người dân lại đi chợ vào buổi trưa hoặc chiều muộn vì cho rằng lúc đó giá thịt rẻ hơn”, chị Nguyễn Thị Tuyến, một tiểu thương ở chợ cho biết.

“Cân đo đong đếm” để thích ứng với thời bão giá

Có thể thấy, cơn bão giá đang ảnh hưởng tới từng mớ rau, con cá khiến người dân buộc phải xoay sở thay đổi cách chi tiêu.

Để tiết kiệm chi phí di chuyển, gia đình ông Khánh kể trên đã chuyển sang đi xe buýt.

“Bến xe buýt chỉ cách nhà tôi hơn 100 m nên cũng thuận tiện cho việc di chuyển. Mặc dù thời gian di chuyển lâu hơn một chút nhưng giá xe buýt chỉ bằng ¼ so với xe máy nên gia đình tôi vẫn quyết định chuyển qua đi xe buýt”, ông Khánh chia sẻ.

Xe máy - phương tiện di chuyển chính của gia đình ông Khánh giờ phải cất gọn vì giá xăng tăng.
Xe máy - phương tiện di chuyển chính của gia đình ông Khánh giờ phải cất gọn vì giá xăng tăng.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Quỳnh, 24 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hơn 1 tháng nay, chị đã dậy sớm mỗi sáng để nấu cơm mang đi làm. Chi phí mỗi bữa ăn trưa của chị Quỳnh rơi vào khoảng 50.000 đồng.

“Dù không rẻ hơn mua ngoài hàng là mấy nhưng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đỡ được phí ship khi gọi đồ ăn ở ngoài”, chị Quỳnh nói.

Là một sinh viên thuê trọ tại Hà Nội, em Phạm Vũ Linh Đan, 22 tuổi (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Từ ngày giá xăng tăng, mình hạn chế đi chơi, không tụ tập ăn uống, cà phê mà chỉ đi học rồi về thẳng nhà luôn”.

Ngoài ra, Đan cũng hạn chế lướt sàn thương mại điện tử để săn sale như trước kia. “Giờ cái gì thật sự cần mới dám tiêu”, Đan cho hay.

Theo daidoanket.vn