“Hiệu ứng Michelin” tạo cú hích cho ngành ẩm thực Việt

Vào Việt Nam năm 2023, cẩm nang Michelin đã để lại dấu ấn đặc biệt cho ngành ẩm thực trong nước, thu hút nhiều kỳ vọng với danh sách năm 2024 sắp được công bố.

Tác động hữu hình và vô hình đến ngành ẩm thực (F&B)

Theo báo cáo của iPOS.vn, ngành F&B Việt Nam đang trên đà khởi sắc với giá trị thị trường năm 2024 dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỉ đồng.

Thạc sĩ Hà Quách (Vincent), giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho biết tăng trưởng vượt bậc của ngành F&B một phần có thể nhờ “hiệu ứng Michelin” và danh tiếng ngày càng tăng của ẩm thực Việt.

“Từ góc độ kinh tế, sự công nhận của Michelin đã tác động tích cực đến nhà cung cấp, nhân viên và cộng đồng rộng lớn hơn. Các nhà hàng được giới thiệu trong cẩm nang cho biết doanh thu và lượt đặt chỗ đều tăng, góp phần vào tăng trưởng của ngành nói chung”, vị giảng viên RMIT nhận xét.

Ông cho biết, cẩm nang Michelin Việt Nam năm đầu tiên đã nâng cao đáng kể danh tiếng toàn cầu của ẩm thực Việt, thu hút thêm nhiều thực khách và sự chú ý của giới truyền thông đối với các nhà hàng như Anan Saigon và Hibana by Koki, cũng như thu hút tín đồ ẩm thực quốc tế.

ẩm thực
Cẩm nang Michelin Việt Nam năm 2023 vinh danh bốn nhà hàng với một sao Michelin. (Hình: guide.michelin.com)

 

Ngoài ra, cẩm nang này còn thúc đẩy các nhà hàng trong nước nâng cao chất lượng món ăn và dịch vụ, đẩy mạnh tính cạnh tranh và chất lượng cao cho toàn ngành ẩm thực.

Ví dụ, thành công của Anan Saigon với tư cách là nhà hàng một sao Michelin đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh đã thôi thúc nhà sáng lập và bếp trưởng Peter Cường Franklin mở Pot Au Phở, với mong muốn kiến tạo tiêu chuẩn mới cho món nước nổi tiếng nhất Việt Nam.

“Với bốn nhà hàng tại Việt Nam được trao một sao Michelin vào năm 2023, sự công nhận toàn cầu không chỉ nâng cao vị thế của riêng các cơ sở kinh doanh đó mà còn truyền cảm hứng để giới ẩm thực đầu tư vào các mô hình ăn uống mới trên cả nước và vươn tới các tiêu chuẩn chất lượng cao do Michelin đặt ra”, Thạc sĩ Hà cho biết.

Đầu bếp René Marre, chuyên gia tư vấn nhà hàng và khách sạn có uy tín, cho biết trên toàn thế giới, cẩm nang Michelin là nguồn động lực to lớn để các đầu bếp được vinh danh duy trì tiêu chuẩn cao của chính mình và truyền cảm hứng cho các đầu bếp khác trau dồi chuyên môn, nhằm được Michelin công nhận.

Động lực này thúc đẩy các nhà hàng hàng đầu lưu tâm hơn, nâng cao tính nghiêm túc và cải thiện từng chi tiết, qua đó nâng cao đáng kể mặt bằng chung trong lĩnh vực F&B.

Tận dụng sự công nhận quốc tế

Singapore hiện dẫn đầu Đông Nam Á với 51 nhà hàng được gắn sao Michelin, tiếp theo là Thái Lan với 35, Malaysia với 5 và Việt Nam với 4 nhà hàng. Danh sách năm 2024 của Việt Nam sẽ được công bố vào ngày 27/6/2024, kỳ vọng rằng năm nay Việt Nam có thể vượt qua Malaysia nhờ có thêm sự góp mặt của thành phố Đà Nẵng, qua đó thể hiện rõ hơn tính đa dạng và chất lượng của ẩm thực Việt.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho rằng những danh sách và giải thưởng uy tín được công bố bởi Michelin, TimeOut hay Asia's 50 Best Restaurants (50 Nhà hàng tốt nhất châu Á) rất quan trọng vì chúng giúp ẩm thực Việt nổi tiếng trên toàn thế giới và thu hút thêm nhiều du khách.

Vị giảng viên RMIT kêu gọi quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các món ăn đặc trưng như biểu tượng du lịch ẩm thực quốc gia.

“Hướng tới đưa nghệ thuật ẩm thực Việt vào danh sách công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO có thể nâng cao đáng kể danh tiếng ẩm thực của đất nước. Những sáng kiến như nỗ lực để công nhận phở là món ăn di sản thế giới là một minh chứng cho cách tiếp cận này”, bà nói.

“Về lâu dài, chúng ta có thể thành lập Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam để có một nơi trưng bày cố định di sản ẩm thực phong phú của đất nước, vừa là nguồn tài nguyên giáo dục vừa là điểm thu hút khách du lịch”.

ẩm thực
Quảng bá các món ăn đặc trưng như biểu tượng du lịch ẩm thực quốc gia giúp ẩm thực Việt nổi tiếng hơn trên toàn cầu. (Hình: Unsplash)

 

Việc tham gia vào các sự kiện quốc tế như các liên hoan văn hóa ở nước ngoài cũng mang đến một kênh để quảng bá ẩm thực Việt Nam trên toàn cầu. Ngay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, nhiều liên hoan và cuộc thi ẩm thực khác nhau cũng có thể thu hút du khách trong và ngoài nước.

“So với những sự kiện được tổ chức ở các quốc gia Đông Nam Á khác mà cẩm nang Michelin đã đặt chân đến, như World Gourmet Summit ở Singapore hay Culinaire Malaysia, các sự kiện ở Việt Nam có quy mô còn khá nhỏ và chưa có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia ẩm thực quốc tế. Đây là một điểm còn nhiều dư địa để cải thiện”, Tiến sĩ Trang nhận xét.

Phấn đấu thành công và tăng trưởng lâu dài

Chủ nhiệm cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT Tiến sĩ Jackie Ong cho biết, một thách thức lớn lâu nay đối với ngành F&B Việt Nam là duy trì tiêu chuẩn cao ở tất cả các cơ sở kinh doanh, từ những quán ăn đường phố đến các nhà hàng cao cấp.

Điều này liên quan đến yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là ở những cơ sở kinh doanh ẩm thực bình dân, đồng thời đem đến hương vị và chất lượng trình bày nhất quán.

Bà nói: “Song song với đó, ngành F&B phải cân bằng giữa hiện đại hóa và lưu giữ bản sắc. Cần đổi mới để đáp ứng kỳ vọng quốc tế mà không làm mất đi tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam”.

ẩm thực

 

Tiến sĩ Ong cũng nhận định: “Giáo dục và đào tạo trong ngành F&B rất quan trọng. Qua đó, các chuyên gia F&B có thể cung cấp trải nghiệm xuất sắc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, vừa duy trì các tiêu chuẩn trong ngành và đổi mới sáng tạo”.

Nhu cầu với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm chức năng và hoạt động bền vững trong sản xuất và dịch vụ thực phẩm ngày càng tăng cao trên toàn thế giới. Tiến sĩ Ong tin rằng việc áp dụng các biện pháp bền vững có thể là một cách giảm thiểu tác động môi trường về lâu dài.

Siêu đầu bếp Trần Lê Thanh Thiện, đồng sáng lập Học viện ẩm thực 2D&ONE, cho biết thêm: “Các nhà hàng nên tiếp tục thích ứng với các mô hình kinh doanh mới và đầu tư công nghệ, rồi biến chúng thành những yếu tố cố định để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả hơn nữa”.

ẩm thực

 

Cuối cùng, quan hệ công chúng (PR) và marketing một cách phù hợp là rất cần thiết. Siêu đầu bếp Lê Nguyễn Hoàn Long, Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam, giải thích: “Tận dụng những danh hiệu quốc tế thông qua marketing và PR có thể thu hút đối tượng thực khách rộng lớn hơn. Đồng thời, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua những thực đơn độc đáo, đặc sắc và sự hợp tác giữa các đầu bếp là rất quan trọng để đạt được thành công bền vững”.

Đầu bếp René Marre nhấn mạnh: “Các nhà hàng Việt Nam nên tận dụng sự có mặt trong các danh sách uy tín của Michelin, TimeOut, TasteAtlas hay Asia's 50 Best Restaurants bằng cách quảng bá thành tích của mình thông qua quảng cáo, cũng như đảm bảo dịch vụ chất lượng cao nhất quán và nỗ lực đổi mới sáng tạo”.