Thu nhập thấp, chi mua xăng cao
Theo bảng giá bán lẻ niêm yết của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 13.5, giá xăng RON95-III bán lẻ tại vùng 1 là 29.980 đồng/lít, vùng 2 là 30.570 đồng/lít.
Trên trang Global Petrol Prices được cập nhật đến ngày 9.5 (thời điểm Việt Nam chưa điều chỉnh tăng 1.500 đồng/lít xăng vào ngày 11.5), giá xăng của Việt Nam có giá 30.580 đồng/lít, xếp vị trí thứ 84. Cũng trên trang này, giá xăng trung bình trên thế giới là 30.909 đồng/lít. Đáng nói, giá xăng Việt Nam đang cao hơn nhiều nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Chẳng hạn, xăng tại Mỹ có giá trung bình 27.333 đồng/lít, tại Úc 28.638 đồng/lít, Nhật Bản 29.342 đồng/lít, Malaysia 10.734 đồng/lít, Nigeria 10.240 đồng/lít, Myanmar 26.345 đồng/lít… Trong khi đó, các nước này có mức thu nhập bình quân cao hơn so với mức thu nhập bình quân của người Việt. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ là 66.144 USD/năm, Nhật Bản là 40.193 USD, Malaysia 11.378 USD, Indonesia 4.287 USD,… trong khi thu nhập bình quân theo đầu người Việt Nam hiện là 3.756 USD.
Chị Nguyễn Thị Sửu (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), giúp việc nhà theo giờ, cho biết đã từng chạy ra cây xăng trước giờ điều chỉnh tăng giá vào ngày 11.3 để đổ đầy bình nhằm tiết kiệm thêm… vài ngàn đồng trước giờ xăng tăng giá. Thế nhưng, trước ngày 11.5 vừa qua, cũng nghe xăng sắp tăng giá, xăng trong xe còn nửa bình nhưng chị không chạy đi đổ nữa. Chị nói: “Không chỉ vài ngàn tiền xăng, mà giá hàng hóa, từ chai dầu ăn, nước tương đến giá thuê nhà đều đã kịp tăng trong tháng 3 và 4, nay tranh thủ đổ đầy một bình xăng để đỡ được vài ngàn chẳng thấm vào đâu so với giá cả hàng hóa tăng theo giá xăng trong thời gian qua. Giá cả tăng quá trời luôn. Thu nhập bao nhiêu chi tiêu hết theo đà tăng của giá cả hàng hóa”.
Global Petrol Prices cho rằng, theo nguyên tắc chung thì các nước giàu hơn chịu giá xăng cao hơn; các nước nghèo, nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giá xăng thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, có một “ngoại lệ” đáng chú ý là tại Mỹ, quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng có giá xăng dầu thấp nhờ tự chủ hoàn toàn nhiên liệu.
Giá hàng hóa, từ chai dầu ăn, nước tương đến giá thuê nhà đều đã kịp tăng trong tháng 3 và 4, nay tranh thủ đổ đầy một bình xăng để đỡ được vài ngàn chẳng thấm vào đâu so với giá cả hàng hóa tăng theo giá xăng trong thời gian qua. Giá cả tăng quá trời luôn. Thu nhập bao nhiêu chi tiêu hết theo đà tăng của giá cả hàng hóa.
“Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế, trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng quyết định áp các loại thuế khác nhau, nên giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch”, theo Global Petrol Prices.
Thế nhưng với Việt Nam, lý thuyết trên không được áp dụng. Người dân ở trong nhóm có thu nhập thấp, Việt Nam là quốc gia có khai thác dầu mỏ và xuất khẩu lượng lớn, nhưng đang chi mua xăng với giá cao. Trước đó, đầu tháng 4, tại một diễn đàn đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, đại diện của Bộ Tài chính cũng cho rằng giá xăng dầu trong nước đang tăng thấp hơn đà tăng của giá mặt hàng này trên thế giới. Thậm chí, vị này còn dẫn chứng giá xăng tại một số quốc gia lân cận như Trung Quốc, Lào… để cho rằng giá xăng Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, tài chính đều cho rằng so sánh kiểu “giá xăng Việt Nam thấp hơn nhiều nước lân cận” là khá khập khiễng và không chính xác. Cụ thể, đa số những nước có giá xăng cao hơn Việt Nam đều có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn người Việt. Nếu so cùng với các nước có khai thác dầu mỏ như Việt Nam thì giá xăng của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, Malaysia có khai thác dầu thô và người tiêu dùng đang trả cho mỗi lít xăng chỉ khoảng 10.734 đồng, hay Indonesia chỉ 26.235 đồng/lít.
Tính toán hỗ trợ giảm thuế, phí
Thế nên, với thu nhập thấp, nhưng người tiêu dùng trong nước lại chi trả quá nhiều cho xăng dầu. Trong khi đây lại là mặt hàng không thể thay thế nên họ phải chấp nhận để sử dụng với bất kỳ giá nào. Bên cạnh đó, xung đột giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục đẩy giá nhiên liệu thế giới biến động liên tục.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng chính sách điều hành về giá xăng dầu nếu cứ chạy theo giảm thuế thì chưa căn cơ nhưng rất cần thiết tại thời điểm này. Thuế bảo vệ môi trường giảm 50%, tương đương 2.000 đồng/lít xăng trong thời gian qua lại như muối bỏ bể trước đà tăng giá xăng dầu của thế giới. Tuy nhiên trong lúc này, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng cần tính để tạm bỏ đến cuối năm. Với thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào giá xăng, các lập luận thường cho rằng hạn chế tiêu thụ xăng dầu để tạo cơ hội thị trường cho các năng lượng khác thường đắt hơn phát triển. Thế nhưng trong thực tế kinh tế Việt Nam, xăng dầu vẫn là mặt hàng vừa thiết yếu, vừa là đầu vào quan trọng trong vận tải hàng hóa và logistics. Nó có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, nên bỏ sắc thuế này trong ngắn hạn.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước mới đây (ngày 11.5), theo cơ quan điều hành, nếu không được giảm thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít với xăng RON95 và 1.900 đồng/lít với xăng E5 RON92, 700 - 1.000 đồng/lít với các mặt hàng dầu) thì giá bán lẻ xăng có thể tăng từ 3.300 - 3.500 đồng/lít, tức là giá xăng trong nước có thể sẽ lên 31.000 - 32.000 đồng/lít.
Thứ hai, mục tiêu điều tiết giá nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế áp lực lạm phát, nhất là lạm phát chi phí đẩy và do kỳ vọng lạm phát ăn theo các mặt hàng khác. Ngoài việc mạnh dạn hạ, giảm các loại thuế, phí không cần thiết đang đánh vào mặt hàng xăng dầu, cần có chính sách hỗ trợ khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện có cú sốc và bất thường vì dịch bệnh, xung đột địa chính trị thế giới xảy ra… “Dành phần hỗ trợ để giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu lúc này là rất cần thiết bởi nó có thể giúp nền kinh tế phục hồi đạt được 2 mục đích là tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kích thích tiêu dùng, đồng thời giảm sức ép lạm phát cho nền kinh tế”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng mọi chính sách điều tiết giảm giá xăng dầu trong nước bây giờ chỉ có thể trông chờ vào công cụ thuế bởi quỹ bình ổn nay đã âm hơn 170 tỉ đồng và tiếp tục âm nữa. Ông cho biết Bộ Tài chính trong thời gian qua có kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92 và RON95 với mức 20% xuống 12%, chênh 4% so với mức thuế suất tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu là 8%. Theo ông Ngô Trí Long, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi 8% khiến đơn giá mặt hàng xăng dầu từ thị trường này tăng. Kiến nghị giảm thuế ưu đãi từ 20% xuống 12% nói trên nhằm đa dạng nguồn cung và giảm áp lực tăng giá từ các thị trường khác. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng nên tính tạm ngưng thu chứ khó giảm hẳn.
“Nguồn thu từ thuế của mặt hàng xăng dầu đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế, nên mọi việc cắt giảm thuế, phí hết sức cân nhắc và khoa học, phù hợp thực tế và bảo đảm có lợi cho người dân, đồng thời không để mất cân đối nguồn thu ngân sách”, ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Theo Thanhnien.vn