Đón Tết Nguyên đán ở Hà Giang trải nghiệm lễ hội độc đáo

Hà Giang dịp Tết âm lịch luôn có nét thu hút rất lạ. Bởi mỗi độ xuân sang, người ta lại mơ về chốn cao nguyên đá cằn khoác lên mình chiếc áo mới - chiếc áo mùa xuân, của sắc hồng, trắng hoa đào hoa mận, và bởi những lễ hội độc đáo chỉ có tại nơi đây.

Điểm đến lý tưởng trong dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán có nguồn gốc lâu đời và được xem như ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Tại Hà Giang, sự giao thoa giữa các nền văn hóa dân tộc khác nhau đã tạo nên một bức tranh đa dạng về phong tục tập quán trong dịp Tết.

Mùa xuân không chỉ mang đến sự tươi mới cho cây cối mà còn làm nổi bật thêm vẻ đẹp của Hà Giang, nơi mà mỗi bông hoa dường như đều kể một câu chuyện riêng biệt. Những khung cảnh bình yên, trong trẻo, cùng với âm thanh của gió rừng và tiếng chim hót sẽ hòa quyện lại, tạo ra một bản giao hưởng của thiên nhiên khiến lòng người thêm phấn chấn. Bất cứ ai tới đây vào mùa hoa nở đều sẽ bị cuốn hút bởi sự lãng mạn và kỳ diệu mà vùng đất này mang lại.

Nhắc tới Hà Giang, khách thăm quan không chỉ nhớ tới những mùa hoa tam giác mạch ngập tràn hương sắc, mùa hoa cải vàng nhuộm sáng cả khung trời mà Hà Giang còn được nhớ tới với những rừng hoa đào, hoa mận hoa lê khoe sắc thắm mỗi độ xuân sang. Giữa vẻ đẹp tĩnh lặng của miền sơn cước, những cánh hoa đào như những viên hồng ngọc soi sáng qua màn sương mờ của mùa xuân, khiến vạn vật dường như bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ đông xám lạnh.

Những cây đào rừng cổ thụ đẹp đến ma mị, đầy tự nhiên, hoang dã nhưng không kém phần quyến rũ trước cửa những ngôi nhà truyền thống hay nơi đầu dốc,…Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng hài hòa, đa sắc màu muôn hình muôn vẻ. Hoa đào Hà Giang là loại đào phai năm cánh, tuy không quá đỏ thắm rực rỡ nhưng sắc hồng ấy cũng đủ làm ấm cả một không gian rộng lớn chìm dài trong cái giá lạnh mùa đông nơi biên ải.

Hoa đào phai đẹp một cách tự nhiên và có một sức sống mãnh liệt. Bởi hoa đào phai đâm chồi trong cái lạnh tê tái của núi rừng, nở hoa giữa những ngọn gió ngàn vi vút non cao, dẫu chẳng được chăm bón, tỉa tót như đào vườn. Những cây đào có dáng đứng “phong trần”, cành xoà xuống tựa những cánh tay nhoài ra ôm mây núi. Trên những cành cây nâu xám xù xì lại hội tụ được linh khí của đất trời, tinh luyện và ấp ủ, những nụ đào bám chi chít thân cành. Những nụ hoa ấy dần dần hé mở, để lộ một màu hồng phai để rồi nở bung thành một bông hoa khoe sắc trang nhã giữa núi rừng trùng điệp.

Sức cuốn hút của những cây đào cổ thụ trước sân nhà hay cả những rừng đào ở Hà Giang khiến vô vàn những vị khách phương xa say đắm và tìm mọi cách để có thể tới đây chiêm ngưỡng cũng như ngắm nhìn thỏa thích. Một màu hồng thắm rực rỡ làm sáng cả một bầu trời miền biên cương, từng nẻo đường, trên nương rẫy, nơi triền đồi, tất cả như được tô thắm rạo rực sắc xuân. Dường như vẻ hoang sơ lạnh lẽo của Hà Giang như được sưởi ấm lơn nhờ mùa hoa đào nở.

Cùng với hoa đào, hoa lê và hoa mận cũng bắt đầu nở rộ, biến Hà Giang trở thành một bức tranh sống động và thơ mộng. Những dãy núi nối tiếp nhau, cùng với những con đường uốn lượn quanh các thung lũng đầy sắc hoa, chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai ghé thăm vào những ngày đầu xuân phải lưu luyến và say đắm bởi vẻ đẹp tự nhiên mà nơi đây mang lại.

Không chỉ có mùa hoa, Hà Giang Tết âm lịch còn là thời điểm những lễ hội mùa xuân diễn ra sôi nổi, với vô vàn những hoạt động văn hóa đặc sắc. Hà Giang tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bao gồm: người Mong, người Dao, người Tày, người Pà Thẻn, người Lô Lô, người Phù Lá,…

Sự đa dạng văn hóa tại Hà Giang khiến cho lễ hội Tết Nguyên Đán mang nhiều sắc thái khác nhau. Mỗi dân tộc đều có những phong tục riêng biệt trong ngày Tết. Ví dụ, người Mông thường tổ chức lễ mừng cơm mới vào dịp Tết, với nhiều nghi thức cầu xin sức khỏe, may mắn cho cả năm.

Không chỉ vậy, lễ hội Tết còn là dịp để các dân tộc thiểu số thể hiện bản sắc văn hóa thông qua âm nhạc, múa lân và các trò chơi dân gian. Những hoạt động này không chỉ đem lại niềm vui mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số

Mỗi dân tộc thiểu số đều có một phong tục, nghi lễ đón Tết khác nhau, song tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tất cả mọi gia đình trong bản đều được ấm no, hạnh phúc. Đây là một nét văn hoá độc đáo mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn giá trị bao đời nay.

Đầu tiên phải kể đến lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông. Với dân số chiếm phần đa so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh và được phân bố khắp các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc , Quản Bạ thì lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông càng thêm phần phong phú. Người Mông thường ăn Tết trước các dân tộc khác vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch khi mùa vụ đã xong, lưỡi cày đã được cất đi, ngô đã đầy trên gác bếp. Tại đây đồng bào Mông từ các xã lân cận cùng nhau về dự hội với các hoạt động diễn xướng và trò chơi dân gian đậm bản sắc.

Hàng năm cứ đến độ Xuân về, không thể không nhắc đến lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, một nghi lễ mang đậm tính tâm linh, văn hóa cộng đồng với 2 phần lễ và hội được cả bản cùng tham gia và là một lễ hội độc đáo trên mảnh đất Hà Giang. Lễ hội Lồng tồng của người Tày thường được tổ chức vào tháng Giêng, khi mọi người trong bản làng đã ăn Tết vui vẻ và đầm ấm, để chuẩn bị bắt tay bước vào một vụ mùa mới, cả cộng đồng sẽ cùng nhau tổ chức một lễ hội mang nhiều biểu trưng của văn hóa lúa nước. Hai chữ Lồng tồng nguyên bản là xuống đồng, biểu đạt cho tinh thần lao động sau kì nghỉ lễ của bà con. Hội Lồng tồng của dân tộc Tày được chia làm hai phần lễ và hội với những nghi thức tâm linh và văn hóa truyền thống bản địa, đây cũng là một lễ hội mang tính mở, du khách thập phương có thể trải nghiệm và tham gia vào phần hội với các trò chơi như ném còn, đánh yến, kéo co và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng dân ca như hát Then, Cọi, Sli…

Một lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa nữa là lễ Cấp sắc của người Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông chưa được cấp sắc là chưa trưởng thành và chưa được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng. Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức từ tháng 11 âm lịch và mùa Xuân với các màn diễn xướng đậm chất riêng, mang nhiều ý nghĩa giáo huấn của tổ tiên nhằm giúp con cháu hướng thiện.

Lễ Cấp sắc của người Dao.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, các lễ hội và diễn xướng văn hóa bản địa được khôi phục trên khắp địa bàn tỉnh, góp phần thu hút du khách đến với mảnh đất cực Bắc này.

Đón tết Nguyên đán ở Hà Giang trải nghiệm lễ hội độc đáo là cơ hội để khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này. Từ những nghi lễ tâm linh đến những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, mùa xuân ở Hà Giang luôn đem lại những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Đến với Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán, du khách không chỉ được chìm đắm trong không gian tuyệt đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận được sự phong phú và đa dạng của văn hóa địa phương. Mỗi ngôi làng, mỗi con phố đều mang trong mình những câu chuyện riêng, những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tết tại đây không chỉ đơn thuần là thời điểm giao mùa, mà còn là dịp để người dân thể hiện lòng tự hào về bản sắc văn hóa.