Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/5: Cần sử dụng công cụ thuế để kiểm soát giá xăng dầu

Liên quan đến giá xăng dầu là vấn đề “nóng” được phản ánh trên các trang báo ngày hôm nay 25/5

Báo Lao động có bài “Giá xăng cao kỷ lục, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định "lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu"”. Theo đó, nói về dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hãy yên tâm, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.

Bài báo cũng nêu ý kiến của ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, giai đoạn tới, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cùng nội dung này, báo VCT News có bài viết “Xăng dầu ngày càng đắt đỏ: Có nên để thị trường quyết định giá?”. Bài báo nêu, thời gian gần đây giá dầu thế giới biến động liên tục, nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày/lần, khiến hai thị trường có sự lệch pha. Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện nay giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ.

Việc chưa để giá xăng dầu do thị trường quyết định cũng khiến việc quản lý thị trường này thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao nhất. “Nhà nước nên kiểm soát bằng các các công cụ như thuế, phí… chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay”, TS Trinh nói và cho biết khi giá xăng được “thả nổi”, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.

Phản ánh ý kiến của đại biểu Quốc hội về giá xăng dầu, báo Công Thương có bài viết “Trao đổi bên lề Quốc hội, theo đại biểu Quốc hội, để giảm được giá xăng dầu cần công cụ thuế để kiểm soát giá”.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, vừa qua, giá xăng tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân do xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung xăng dầu. “Liên quan tới việc kiểm soát giá xăng dầu, chúng ta đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel từ ngày 1/4 và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể”- đại biểu Lê Thanh Vân chỉ ra.

Cùng với giá xăng dầu, xuất nhập khẩu cũng là nội dung nhận được sự quan tâm, phản ánh của các cơ quan báo chí.

Đưa thông tin mới nhất về xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 5/2022, báo Quân đội nhân dân có bài viết “Tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 28,34 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5-2022”.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 28,34 tỷ USD, giảm 15,6% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4-2022. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5 đạt 270,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 36,01 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ 1 tháng 5/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,7 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 223 triệu USD.

Báo Công Thương đưa ra cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại qua bài viết “Rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó”. Theo đó, liên quan đến việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài cho hay, rủi ro này đang nằm ở các doanh nghiệp FDI mang yếu tố Trung Quốc. Dù mới chỉ là những thông tin ban đầu, nhưng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiệp hội ngành gỗ đề nghị các hiệp hội thành viên quốc tế hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực cho các hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xử lý liên quan đến các vụ kiện về phòng vệ thương mại; giải quyết vấn đề gốc là tự chủ cao nhất được nguồn nguyên liệu.

Theo: congthuong.vn