7 quy tắc tiết kiệm giúp mẹ tôi làm nội trợ vẫn dành hơn 300 triệu/năm

Mẹ tôi luôn tuân thủ 7 quy tắc tiết kiệm này, bà chưa bao giờ “đi quá giới hạn” dù chỉ 1 lần.

Từng quy tắc tiết kiệm điều đều khắc nghiệt đến mức khó tin!

Nếu trên đời này tồn tại một cuộc thi để tìm ra “Hoa hậu tằn tiện”, tôi dám khẳng định mẹ tôi sẽ là người đeo vương miện, hoặc ít nhất, bà cũng phải là Á Hậu 1. Chứ người bình thường hiếm có ai tằn tiện được như mẹ tôi lắm, và cũng không ngoa nếu gọi mẹ tôi là người phụ nữ nghiện tiết kiệm.

Trước đây, tôi không ủng hộ cách sống chi li, có phần khắc khổ này của mẹ. Nhưng sau này khi đã đi làm kiếm tiền, phải tự học cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm, tôi mới nhận ra học Đông học Tây không bằng về nhà học mẹ.

 tiết kiệm
Ảnh minh họa

 

Sau nhiều năm chắt chiu từng cắc, mẹ tôi đã đúc rút ra được 7 quy tắc tiết kiệm để tích tiểu thành đại. Bà gọi đó là một cuốn chân kinh. Hôm nay, tôi sẽ kể cho bạn nghe cuốn sách để đời của mẹ tôi gồm những gì. Yên tâm, mọi thứ ngắn gọn nhưng lại khó tin vô cùng, càng về sau càng không thể tin nổi!

1 - Có danh sách mua sắm cũng chính là có kế hoạch dành lấy tương lai

Mẹ tôi luôn nói mua sắm giống như một trận chiến, thắng thua phụ thuộc vào việc lập kế hoạch. Trước mỗi lần đi siêu thị hay đi mua sắm bất cứ thứ gì, mẹ tôi đều lên danh sách cực kỳ chi tiết. Đến nơi, mẹ chỉ cầm theo danh sách ấy và lựa đồ, không tạt qua bên này, ngó sang bên kia.

Mẹ bảo làm được như vậy là giỏi hơn các nhà quản lý, giám đốc Marketing rồi, vì cách trưng bày hàng hóa trong cửa hàng nhỏ, siêu thị to đều là cạm bẫy tiêu dùng. Còn mẹ tôi thì chưa bao giờ mắc bẫy cả!

2 - Mua sỉ gạo, mắm muối, gia vị: Mua một lần đủ dùng cả năm!

Với mẹ tôi, nếu thứ gì bắt buộc phải mua, hãy mua số lượng lớn và dùng dần thay vì mua lẻ tẻ, lắt nhắt nhiều lần. Mục đích thì cũng dễ hiểu thôi, mua số lượng lớn sẽ được giảm giá và nếu mua đủ nhiều, còn được mua với giá bán buôn - rẻ hơn rất nhiều so với mua lẻ.

Đó là lý do dù nhà tôi chẳng buôn gạo hay bán mắm, nhưng kho thực phẩm lúc nào cũng có cả mấy trăm kg gạo, còn số lượng những chai mắm, hộp muối, hộp giia vị thì không thể dếm xuể.

 tiết kiệm
Ảnh minh họa

 

Mẹ tôi gọi đó là trích trữ hợp lý. Theo lời mẹ kể lại với tôi, nhờ mua số lượng lớn những mặt hàng thiết yếu, mua một lần dùng một năm, mà mẹ đã tiết kiệm được mấy chục triệu chứ không phải ít đâu.

3 - Không bao giờ mua những món đồ “chỉ dùng một lần”

Mẹ tôi cho rằng những món đồ “chỉ dùng một lần” là thứ nên tận diệt cho tuyệt chủng hẳn đi thì tốt! Theo quan điểm của mẹ, chúng không chỉ gây tốn tiền một cách vô nghĩa, mà còn ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời thúc đẩy sự lười biếng.

Cốc giấy, đĩa nhựa, hay cả đồ lót dùng một lần đều nằm trong danh sách không bao giờ mua của mẹ tôi vì rửa một cái cốc hay vài cái bát, đôi đũa thì tốn sức lắm hay sao mà phải “mua mấy cái kia”. Dùng đồ xong vứt đi luôn thành ra lười biếng, ỉ lại, chỉ tổ tốn tiền. Mẹ tôi nghĩ như vậy về những món đồ “chỉ dùng 1 lần” và đương nhiên, đó cũng là những thứ không bao giờ xuất hiện trong gia đình chúng tôi.

4 - Gom phế liệu, bán lấy tiền

Những quyển vở chúng tôi đã viết hết, vỏ lon chai bia, thùng giấy, chai nhựa, cái quạt đã hỏng,... tất cả những thứ đó đều được mẹ tôi gom lại, đôi khi là đi xin của người khác và mang về nhà để dành đem bán lấy tiền.

 tiết kiệm
Ảnh minh họa

 

Thú thật, ngày xưa, nhà tôi trông không khác gì cái bãi tập kết phế liệu dù cả bố lẫn mẹ chẳng ai làm nghề ấy. Mẹ tôi gom phế liệu như một thói quen hằng ngày, bao giờ thấy hòm hòm thì gọi người tới cân, bán một thể.

Thói quen này của mẹ, dù là ngày xưa hay bây giờ, tôi cũng đều không ủng hộ. Gia đình tôi không giàu nhưng cũng chẳng nghèo đói đến mức không sống nổi nếu thiếu vài đồng bạc bán phế liệu. Nhưng mẹ tôi thì nghĩ khác, bà cho rằng đó là những khoản tiền từ trên trời rơi xuống một cách đều đặn, vì rõ ràng bà chẳng cần bỏ ra chút tiền vốn nào cả, toàn là đồ bỏ đi hoặc đi xin về mà.

Nghe mẹ nói vậy xong, tôi đột nhiên lại cảm thấy nể phục cách tư duy này của mẹ.

5 - Tiết kiệm từng giọt nước: Nước gội đầu dùng để xả bồn cầu, nước tắm để chà sàn

Mẹ tôi có thói quen hứng lại nước gội đầu, và dù nhà có vòi hoa sen nhưng bà luôn tắm bằng cách xả nước ra 1 cái thùng to rồi ngồi vào trong đó tắm. Ban đầu, cả nhà còn nghĩ mẹ làm vậy vì thích thế thôi, chứ không ai có thể ngờ mục đích của mẹ là để… tiết kiệm tiền nước.

Dùng nước gội đầu xả bồn cầu, dùng nước tắm dội sàn nhà tắm, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm tiền mua dung dịch vệ sinh bồn cầu. Nước đi này, đúng là chỉ có người mẹ nghiện tiết kiệm của tôi mới nghĩ ra được.

6 - Mùa hè mỗi tuần giặt quần áo 1 lần, mùa đông thì 1 tháng chỉ giặt 2 lần thôi

Bạn không đọc nhầm đâu, mẹ tôi hạn chế tối đa số lần giặt quần áo với mục đích tiết kiệm tiền nước, tiền điện, cũng như tiền mua nước giặt và nước xả vải. Mùa hè dễ đổ mồ hôi, quần áo nhanh bẩn và phải thay hàng ngày nên mẹ sẽ gom đồ bẩn của 1 tuần lại và giặt vào ngày chủ nhật. Còn mùa đông, cơ thể không ra mồ hôi, nên 2 tuần mẹ mới gom đồ mang đi giặt 1 lần.

 tiết kiệm
Ảnh minh họa

Đỉnh cao hơn cả là mẹ đã sắm đủ quần áo cho từng thành viên trong nhà, mỗi người 8 bộ quần áo mặc đi làm, đi học và 8 bộ đồ ngủ mặc ở nhà. Mẹ bảo thế là còn xông xênh lắm rồi đấy, chứ 1 bộ thực ra có thể mặc 2-3 ngày cũng không vấn đề gì.

7 - Đồ đi làm hỏng thì dùng làm đồ mặc ở nhà, đồ đi ngủ

Đến 1 giọt nước, mẹ còn tiết kiệm thì không có lý gì một bộ quần áo lại lọt ra khỏi tầm ngắm của mẹ. Nhớ lại mới thấy đúng là hồi bé, chúng tôi rất ít khi được mua quần áo mới và thường xuyên phải mặc lại đồ cũ. Một năm, mẹ sẽ chỉ mua cho mỗi chị em 2 chiếc áo và 2 chiếc quần mới để mặc đi học, đồ ngủ mặc ở nhà thường là đồ mặc đi học đã rách và phải vá đụp, hoặc đồ mẹ đi xin ở đâu đó về.

Bố mẹ cũng áp dụng cách tương tự để cắt giảm tiền mua quần áo: Đồ mặc đi làm đã hỏng thì dùng để mặc ở nhà hoặc mặc đi ngủ. Vậy mà bố tôi cũng đồng ý, chưa một lần kêu than hay phàn nàn việc vợ chẳng mấy khi cho tiền mua quần áo. Quả là một cặp đôi trời sinh!

Đến tận bây giờ, khi chị em tôi đã đi làm và kiếm được tiền, tháng nào cũng đều đặn gửi cho mẹ tiền tiêu vặt, nhưng mẹ vẫn giữ thói quen tuân thủ 7 quy tắc “chân kinh tiết kiệm” trên. Mẹ tôi bảo thói quen tiết kiệm đã ngấm vào máu, vào từng nơ-ron thần kinh của mẹ rồi, không thể thay đổi được. Phải tiết kiệm được thì mẹ mới thấy vui, chứ tiêu tiền là mẹ suy nghĩ lắm, không còn vui nữa.

Tiết kiệm là việc phải làm cả đời. Của cải tiền bạc cho con, cho cháu không bao giờ là thừa. Không thể ngụy biện rằng mình có tuổi rồi nên mình được phép bắt con cái cho tiền để chi tiêu thoải mái. Tiền của các con, mẹ không bao giờ tiêu, mẹ giữ hộ” - Mẹ đã nói với chị em tôi vậy đấy.

Theo Nhịp sống thị trường