Đầu năm là thời điểm hoàn hảo để “F5” cuộc sống và thử sức với những điều mới mẻ. Xây dựng thói quen tài chính - tiết kiệm là điều bạn không nên bỏ qua, nhằm hướng đến gia tăng cơ hội và nhanh chóng đạt được cột mốc lớn trong cuộc sống.
Dưới đây 5 mẹo tiết kiệm tiền bạn có thể bắt đầu ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 để bảo vệ số dư trong tài khoản.
1. Đặt mục tiêu tài chính
Sau khi đánh giá tình trạng ví tiền, bạn hãy đặt mục tiêu tài chính của mình. Đây là bước quan trọng để bạn vạch ra những đích muốn hướng đến trong năm mới. Cụ thể hơn, bạn muốn sở hữu một chiếc xe, mua được nhà hay chỉ đơn giản là tìm thêm một công việc phụ giúp gia tăng 15% thu nhập hàng tháng?
Bên cạnh đặt mục tiêu tài chính, bạn có thể tham gia vào một số thử thách để gia tăng tài khoản tiết kiệm của mình. Chẳng hạn như:
- Thử thách 1P
Thử thách 1P là phương pháp tiết kiệm tiền kéo dài 1 năm, tức 365 ngày. Thử thách này yêu cầu bạn tăng dần số tiền tiết kiệm được thêm mỗi ngày trong năm.
Chẳng hạn, trong ngày đầu tiên của năm 2024, tức ngày thứ 1 của thử thách, bạn bắt đầu để dành 1 xu. Con số này sẽ tăng lên 2 xu vào ngày thứ 2, 3 xu vào ngày thứ 3… Cứ như thế, vào ngày cuối cùng của năm, tức ngày thứ 365, số tiền bạn cần để dành là 365 xu. Tổng cộng sau 1 năm (tức 365 ngày), bạn sẽ tiết kiệm được 66.795 xu.
Công thức theo thử thách 1P như sau:
Số tiền bạn tiết kiệm trong 365 ngày = Số tiền tiết kiệm trong ngày đầu tiên x 66.795
Ví dụ: Nếu thay đơn vị "1 xu" bằng 1.000 đồng. Ngày thứ nhất, bạn tiết kiệm được 1.000 đồng. Ngày thứ hai bạn tiết kiệm được 2.000 đồng, ngày thứ 3 tiết kiệm được 3.000 đồng… Cứ như thế cho đến ngày thứ 365, bạn sẽ để dành được tổng cộng: 1.000 x 66.795 = 66.795.000, tức hơn 66 triệu đồng.
- Thử thách không chi tiêu
Đây được xem là một trong những phương pháp tiết kiệm đơn giản, phù hợp với mọi đối tượng. Khi tham gia thử thách, bạn cam kết không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết trong khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 1 tháng.
Trong thời gian đó, bạn chỉ tiêu tiền cho những thứ cần thiết, như hóa đơn điện nước, xăng xe và đồ vệ sinh cá nhân, đồng thời tránh tất cả khoản chi không cần thiết như mua quần áo mới, đi ăn ngoài. Thử thách tiết kiệm này khác biệt vì bạn sẽ không dành ra một số tiền cụ thể. Thay vào đó, bạn chọn không tiêu bất kỳ khoản tiền nào (ngoài những khoản cần thiết).
Với thử thách này, nó có thể đưa bạn trở lại đúng hướng sau khi “lỡ" chi tiêu bội chi, từ đó tiến đến gần hơn với mục tiêu tiết kiệm. Đồng thời, nó cũng có thể cho bạn cơ hội xem lại thói quen chi tiêu lãng phí của mình.
2. Mua sắm thông minh
Sau khi đã có cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính cũng như các mục tiêu muốn đạt được trong năm tới, bạn có thể tính toán số tiền sẽ chi cho việc mua sắm hàng tháng. Điều này nhằm giảm thiểu tình trạng mua sắm bốc đồng và tận dụng tối đa các nguồn lực có sẵn.
Một trong những điều tuyệt vời nhất của tháng 1 là nhiều nhãn hàng có ưu đãi, do đó đừng lãng phí chúng. Bên cạnh đó, bạn hãy tạo thói quen lập danh sách mua hàng thống nhất. Điều này không chỉ giúp bạn tránh mua về những món đồ không cần thiết mà còn giúp quản lý ngân sách mua sắm tốt hơn.
3. Dọn dẹp tủ đồ
Đầu năm là thời điểm tốt để bạn dọn dẹp những món đồ cũ có trong tủ. Hãy tận dụng các món đồ cũ, trước khi lãng phí tiền bạc mua sắm đồ mới cùng kiểu dáng và chức năng.
Với món đồ không có nhu cầu tái sử dụng, bạn có thể quyên góp cho các tổ chức từ thiện, hoặc thậm chí kiếm tiền bằng cách bán lại chúng trên các nền tảng trực tuyến. Dọn dẹp lại tủ đồ không chỉ khiến căn nhà ngăn nắp mà còn có thể tiết kiệm một mớ đồ đạc, từ đó tiến gần hơn với các mục tiêu tài chính.
4. Chăm sóc sức khỏe
Sự khởi đầu của năm mới thường kéo theo quyết tâm có được sức khoẻ tốt. Có một tinh thần dồi dào và cơ thể khỏe mạnh mạnh sẽ giúp bạn đi nhanh hơn trong hành trình thực hiện các mục tiêu tài chính. Bằng cách đi bộ, chạy hoặc thậm chí là đạp xe, bạn có thể thấy đầu óc thư giãn khi thực hiện một hoạt động không tốn tiền và duy trì thể lực.
5. Lên kế hoạch cho những điều ngoài ý muốn
Đầu năm là khi chúng ta nói nhiều về những điều vui vẻ. Thế nhưng chúng cũng là thời điểm tốt để bạn lên kế hoạch cho điều ngoài ý muốn bằng cách lập một quỹ khẩn cấp. Đây là số tiền giúp bạn yên tâm rằng nếu có điều gì xảy ra bất ngờ như xe hỏng hoặc bố mẹ đi nhập viện… bạn hoàn toàn có thể giải quyết.
Do đó, hãy lên kế hoạch trích bao nhiêu phần trăm thu nhập hàng tháng cho quỹ rủi ro này. Sau khi để ra số tiền đó, hãy tiếp tục tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính khác của mình.